Đăng ký nhãn hiệu có “động cơ không trung thực” là hiện tượng xuất hiện tại tất cả các nước có hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ trên thế giới. Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (SHTT) không có một định nghĩa cụ thể thế nào là động cơ không trung thực. Tuy nhiên, khái niệm này được ghi nhận rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, cụ thể như sau: Điều 96.3 Luật SHTT quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn”. Điểm 5.3. của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học Công nghệ Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp: “Đại diện của chủ đơn phải chịu trách nhiệm trước chủ đơn về mọi hậu quả do việc khai báo, cung cấp thông tin không trung thực gây ra trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điểm 22.3. của Thông tư về trách nhiệm của người khiếu nại cũng quy định: “Người khiếu nại phải bảo đảm sự trung thực trong việc cung cấp chứng cứ và phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc cung cấp chứng cứ không trung thực”. Về cơ bản, động cơ không trung thực trong quá trình đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu xuất hiện khi một bên cố ý xin đăng ký nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu có trước của người khác (VD: Người nộp đơn có quan hệ kinh doanh từ trước với Chủ sở hữu nhãn hiệu như từng là Đại lý, Nhà phân phối…). Vì vậy, chứng cứ về động cơ không trung thực là một trong các căn cứ pháp lý được đưa ra trong rất nhiều vụ việc liên quan tới phản đối/hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của một bên thứ ba. Chứng cứ về động cơ không trung thực cũng là yếu tố để Cục Sở hữu Trí tuệ (Cục SHTT) xem xét, đơn đăng ký nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ hay không. Để chứng minh động cơ không trung thực, các chứng cứ, lập luận cần phải nêu bật được hành vi cố ý hoặc đã có sẵn ý định lừa dối. Trong hoạt động thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT hầu như không chủ động xem xét về động cơ không trung thực của Người nộp đơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù không có đơn phản đối của một bên thứ ba, Cục SHTT vẫn từ chối cấp văn bằng bảo hộ do cho rằng nhãn hiệu xin đăng ký trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà Cục SHTT cho là nổi tiếng. Trong trường hợp này, Cục SHTT coi nhãn hiệu xin đăng ký có động cơ không trung thực. Trong thực tế, nếu một bên thứ ba khiếu nại với Cục SHTT về một bên xin đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu có động không trung thực, bên thứ ba phải có nghĩa vụ chứng minh bằng việc nộp cho Cục SHTT các bằng chứng xác đáng. Cục SHTT sẽ thông báo cho Bên bị khiếu nại và yêu cầu phải trả lời trong khoảng thời gian nhất định. Trong nhiều trường hợp, Cục SHTT còn đưa ra quan điểm của mình trong Thông báo đó. Để tránh những hành vi đăng ký có động cơ không trung thực có thể xảy ra chúng ta nên cân nhắc thực hiện những biện pháp như sau: Thứ nhất, giải pháp tốt nhất là nộp đơn đăng ký độc quyền nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đang sử dụng tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Chi phí đăng ký một nhãn hiệu tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước và thấp hơn rất nhiều so với chi phí khi thực hiện Phản đối, Hủy bỏ, Chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Thứ hai, trong thực tế, hủy bỏ một văn bằng bảo hộ sẽ mất nhiều chi phí và thời gian hơn việc phản đối đơn. Hơn nữa, thông thường việc phải ra quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ đã được cấp trước đây là việc bất đắc dĩ đối với Cục SHTT. Vì vậy, tỷ lệ thành công của hủy bỏ văn bằng bảo hộ thường thấp hơn việc phản đối đơn trong quá trình Cục SHTT thẩm định nội dung. Do đó, chủ sở hữu nhãn hiệu nên thường xuyên quan tâm theo dõi các đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp Việt Nam để có thể nộp đơn phản đối khi cần thiết.